LỊCH SỬ Y HỌC CỔ TRUYỀN – THẦN NÔNG VỊ TỔ SƠ KHAI CỦA NỀN Y HỌC PHƯƠNG ĐÔNG (PHẦN CUỐI)
Lễ Thần Nông
Lễ Thần Nông tức là lễ tế vua Thần Nông để cầu mong được mùa và nghề nông phát đạt.
Trên các quyển lịch cổ hàng năm, người ta thường vẽ một mục đồng dắt một con trâu. Mục đồng tức là vua Thần Nông, còn con trâu tượng trưng cho nghề nông.
Hình mục đồng cũng như con trâu thay đổi hàng năm tùy theo sự ước đoán của Khâm thiên giám về mùa màng năm đó sẽ tốt hay xấu.
Năm nào được coi là được mùa, Thần Nông có giày dép chỉnh tề, còn năm nào mùa màng bị coi là kém, Thần Nông có vẻ như vội vàng hấp tấp nên chỉ đi giày một chân. Con trâu được đổi màu tùy theo hành của mỗi năm, nó có thể có một trong 5 màu vàng, đen, trắng, xanh, đỏ đúng với các hành Thổ, Thủy, Kim, Mộc, Hỏa.
Thời phong kiến, hàng năm đều có tục tế và rước Thần Nông tại triều đình cũng như ở các địa phương.
Nghi thức lễ tế Thần Nông thời Nguyễn
Lễ tế Thần Nông hàng năm cử hành vào ngày Lập xuân, bởi vậy nên lễ tế Thần Nông còn được gọi là tế xuân.
Theo chỉ dụ của vua Minh Mạng, hàng năm sau tiết Đông chí, tòa Khâm thiên giám phải lo sửa soạn việc tế Thần Nông. Các quan cùng nhau họp để nặn trâu và tượng Thần Nông.
Trước ngày lập xuân hai ngày, tại gần cửa thành Đông Ba (ngày nay là cửa chính Đông), các quan Khâm thiên giám cho lập một cái Đài hướng đông. Trâu và tượng Thần Nông cũng được đưa tới lưu tại phủ Thừa Thiên để ngày hôm sau các quan trong phủ mới rước từ phủ tới Đài. Các quan vận lễ phục, có quân lính mang gươm giáo, tàn lọng, cờ quạt theo hầu.
Tới Đài thì một lễ đơn giản được cử hành, ngụ ý trình với Thổ Công về sự hiện diện của tượng Thần Nông và trâu. Sau đó, trâu và tượng Thần Nông lại được khiêng về kho cất. Hôm tế xuân, tượng và trâu lại được rước ra Đài, nhưng lần này đi rước là các quan bộ Lễ và các quan phủ Thừa Thiên. Khi đám rước đi qua cung vua, một viên thái giám vào tâu để vua biết. Sau đó, đám rước lại tiếp tục đi và khi đi qua bộ Lễ, một viên quan đánh vào mông trâu ba roi, có ý thôi thúc trâu phải làm việc.
Tới Đài, các quan làm lễ tế Thần Nông theo như nghi lễ các cuộc tế khác. Tế Thần Nông xong, trâu và tượng Thần Nông được quân lính mang đi chôn sau buổi lễ.
Tại các tỉnh, trong ngày Lập xuân cũng có lễ tế Thần Nông và lễ cũng được sửa soạn từ sau ngày Đông chí. Các quan tỉnh phụ trách việc hành lễ. Trâu và tượng Thần Nông cũng được đem chôn.
Lễ tế Thần Nông của các dân tộc khác
Người Dao Tuyển, để cảm tạ công ơn và cầu xin cho mùa màng bội thu, nhà nhà hạnh phúc thì lễ hội ngày 6 tháng 6 âm lịch là ngày cúng Thần Nông lớn nhất trong năm. Ngoài ra họ còn thờ cúng Thần Nông vào các ngày 1 tháng 1 âm lịch và 9 tháng 9 âm lịch hàng năm.
Nơi ở của Thần Nông
Tương truyền Thần Nông thị xuất phát từ Liệt Sơn, ngày nay thuộc tỉnh Hồ Bắc. Cách trung tâm địa cấp thị Tùy Châu khoảng 40 km về phía bắc có Liệt Sơn Thần Nông động tại trấn Lệ Sơn, huyện Tùy, được coi là “nơi ở của Thần Nông”.
“Nơi ở của Thần Nông”, tức động Thần Nông bao gồm 2 nơi (một nơi làm chỗ tàng trữ lương thực và dược vật, một nơi là chỗ cư trú). Tại đây có đình Thần Nông, tháp Thần Nông, miếu Thần Nông, phía nam núi có nhà uống trà của Thần Nông, vườn hoa Thần Nông, đình Cửu Long còn phía bắc núi có ao tắm của mẹ Thần Nông là An Đăng, vườn bách thảo. Ở vùng miền núi phía tây Hồ Bắc có vùng đất gọi là Thần Nông Giá, có lẽ có liên quan tới Thần Nông.
Thần Nông động và Thần Nông bia
Cách trung tâm địa cấp thị Tùy Châu khoảng 55 km về phía bắc là Liệt Sơn thượng, giữa động có bàn đá, ghế đá, bát đá và tháp đá, theo truyền thuyết là các vật dụng của Thần Nông. Liệt Sơn còn có giếng Thần Nông, nhà Thần Nông, quán Thần Nông, miếu Viêm Đế là các kiến trúc cổ. Phía bắc trấn Lệ Sơn còn có một tấm bia “Viêm Đế Thần Nông thị”, được bảo tồn đến ngày nay.
Trả lời